Lịch sử hình thành và phát triển

Lịch sử hình thành và phát triển bện viện Tâm thần Thái Bình
Bệnh viện Tâm thần Thái Bình được thành lập tại Quyết định số 25/TC ngày 25/2/1976 của Ủy ban hành chính tỉnh Thái Bình (nay là UBND tỉnh Thái Bình) với quy mô 100 giường bệnh và đóng tại địa bán xã Thái Hưng- huyên Thái Thụy. Trải qua gần nửa thế kỷ, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình đã không ngừng phát triển về mọi mặt:
 
1. Về cơ sở vật chất: Ngày đầu thành lập, bệnh viện tiếp nhận cơ sở K85 là nơi điều dưỡng cán bộ miền Nam thuộc xã Thái Hưng- huyện Thái Thụy, với 7 dãy nhà cấp IV cùng các công trình phụ trợ đơn sơ và xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ty Y tế (nay là Sở y tế Thái Bình), toàn thể cán bộ viên chức bệnh viện từ các đồng chí lãnh đạo đến nhân viên đã cố gắng nỗ lực bố trí, xắp xếp các khoa, phòng hợp lý để thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người bệnh tâm thần trong tỉnh.
Mười năm năm sau, do nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao, bệnh viện lại ở xa trung tâm và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trong tỉnh do đó nhân dân đến khám, chữa bệnh gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó Ban lãnh đạo bệnh viện đã xây dựng Đề án xin được chuyển Bệnh viện về thị xã Thái Bình trình Sở Y tế và UBND tỉnh. Ngày 15 tháng 3 năm 1991, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành quyết định số 79/ QĐ- UB cho phép di chuyển Bệnh viện Tâm thần về địa điểm khoa Thần kinh Bệnh viện Việt – Bun (nay là Bệnh viện Đa khoa tỉnh) với diện tích được quy hoạch 9.373 m2 cùng với cơ sở vật chất khiêm tốn gồm 03 dãy nhà cấp 4  với 100 giường bệnh. Đảng ủy, ban lãnh đạo bệnh viện đã nhanh chóng ổn định các khoa, phòng để tổ chức đón tiếp, điều trị cho người bệnh được thuận tiện nhất. Đây là một mốc lịch sử vô cùng quan trọng, mở ra một hướng mới cho quá trình phát triển và đi lên của bệnh viện. Với vị trí địa lý thuận lợi: Ở trung tâm thành phố, gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trường Đại học Y và các bệnh viện chuyên khoa trong tỉnh…do đó việc hỗ trợ chuyên môn giữa các bệnh viện được kịp thời, nhân dân đi lại thuận tiện, người bệnh được hòa nhập với cộng đồng và xã hội. đồng thời Bệnh viện luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các cấp các ngành, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế nên hàng năm bệnh viện được đầu tư về cơ sở vật chất, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ viên chức.
Tuy nhiên do xã hội phát triển, nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân ngày càng cao, do đó Ban lãnh đạo bệnh viện tiếp tục xây dựng đề án xây dựng bệnh viện trình UBND tỉnh và các Sở, ngành. Ngày 29/12/2010, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2970/QĐ- UBND về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Bệnh viện Tâm thần với quy mô 300 giường bệnh cùng đầy đủ các công trình phụ trợ kèm theo tại khu Trung tâm Y tế tỉnh thuộc phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Diện tích quy hoạch là 2,2ha; Bệnh viện được xây dựng mới đồng bộ với 11 khối nhà gồm: Nhà hành chính, nhà khám bệnh xét nghiệm cận lâm sàng: 03 tầng; nhà dinh dưỡng, nhà điều trị bắt buộc: 02 tầng; 03 khoa lâm sàng: 1- 2 tầng; nhà phục hồi chức năng, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn…cùng cảnh quan hài hòa đáp ứng đặc thù của chuyên khoa tâm thần. Sau gần 03 năm triển khai thực hiện, từ năm 2011 đến năm 2013, dự án xây dựng bệnh viện hoàn thành và đưa vào sử dụng điều đó đã mang lại lợi ích to lớn cho người bệnh.
Sau hai lần di chuyển, với ba địa điểm khác nhau, đến nay Bệnh viện Tâm thần Thái Bình đã có cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ sánh ngang tầm với các bệnh viện tâm thần trong cả nước, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên cảnh quan bệnh viện do mới được đầu tư xây dựng nên môi trường chưa thật đáp ứng được yêu cầu của chuyên ngành tâm thần, vì vậy ban lãnh đạo bệnh viện cùng toàn thể cán bộ viên chức trong thời gian tới, cần tiếp tục tạo môi trường cây xanh giúp cho người bệnh có điều kiện nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí trong thời gian điều trị tại bệnh viện để nhanh chóng ổn định bệnh trở về với gia đình và cộng đồng.
2. Về cơ cấu tổ chức, cán bộ:
Ngay sau khi thành lập, nhân lực của bệnh viện chỉ có 26 cán bộ, trong đó có 02 bác sỹ, 03 y sỹ, 6 điều dưỡng, còn lại là 15 các cán bộ khác. Các cán bộ chuyên môn thời kỳ đầu hầu hết chưa qua đào tạo chuyên khoa tâm thần mà chủ yếu từ cơ quan khác chuyển đến. Ban lãnh đạo bệnh viện có 02 đồng chí, 01 giám đốc và 01 phó giám đốc; bệnh viện chỉ có 6 khoa, phòng đó là: Khoa nam, khoa Nữ, khoa Suy nhược, khoa Dinh dưỡng, phòng Y vụ, phòng Hành chính- Tài chính.
Trong suốt chặng đường dài phát triển, các thế hệ lãnh đạo Bệnh viện luôn xác định công tác cán bộ là khâu quan trọng hành đầu trong mọi hoạt động của bệnh viện. Vì vậy để có được đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn vững vàng, hết lòng yêu nghề; công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm… luôn được quan tâm. Từ chỗ chỉ có 26 cán bộ, đến nay bệnh viện đã có 94 cán bộ gồm: Bác sỹ 23 (trong đó có 02 thạc sỹ, 10 bác sỹ chuyên khoa I; 11 bác sỹ đang học CKI và các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng khác); điều dưỡng: 36( Trong đó có 12 đại học điều dưỡng, 8 cao đẳng điều dưỡng, 16 điều dưỡng trung học); Dược sỹ: 6( trong đó có 02 dược sỹ đại học, 04 dược sỹ trung học). Ban lãnh đạo bệnh viện gồm 03 đồng chí và 100% trưởng, phó các khoa lâm sàng, khoa khám bệnh đều có trình độ sau đại học về chuyên ngành tâm thần. Cùng với sự phát triển về nguồn nhân lực, số lượng các khoa, phòng cũng từng bước được tăng lên. Hiện nay, bệnh viện có 13 khoa, phòng, trong đó có 04 khoa lâm sàng, khoa khám bệnh, khoa cận lâm sàng, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn, khoa dược và 6 phòng chức năng.
Ghi nhận sự phát triển toàn diện của Bệnh viện, ngày 10/3/2008, UBND tỉnh đã có Quyết định số 450/QĐ- UBND xếp hạng II đối với Bệnh viện Tâm thần. Đồng thời để đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân, năm 2011 UBND tỉnh đã nâng giường kế hoạch lên 120 giường bệnh; năm 2015 là 140 giường (trong đó có 20 giường từ trang trải).
3. Về trang thiết bị y tế:
Cùng với việc phát triển về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống trang thiết bị y tế cũng luôn được quan tâm. Từ chỗ chỉ có một số máy móc trang thiết bị y tế nghèo nàn, đơn giản như : kính hiển vi, máy tính và chỉ làm thủ công những xét nghiệm thường quy, đơn giản, đến nay bệnh viện có cơ bản đầy đủ các máy móc, trang thiết bị chuyên khoa như: Máy điện não đồ, Máy Lưu huyết não, máy siêu âm tổng quát ổ bụng, máy siêu âm doppler màu mạch máu não, máy sinh hóa máu tư động, bán tư động, máy điện tim…do đó Bệnh viện đã triển khai được hầu hết các kỹ thuật lâm sàng và cận lâm sàng chuyên khoa để góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, tiên lượng bệnh. Vì vậy nhiều người bệnh tâm thần nặng nề trước kia phải chuyển lên tuyến trung ương, hoặc sang bệnh viện khác để làm xét nghiệm cận lâm sàng, nay họ hoàn toàn yên tâm khám và  điều trị tại bệnh viện.
4. Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn :
Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn, nhân lực mỏng, các phương tiện chẩn đoán, điều trị đơn sơ; đối tượng phục vụ lại là người bệnh tâm thần, họ không làm chủ được tư duy, cảm xúc, hành vi, thường phủ định không nhận bệnh chống đối điều trị… bao khó khăn, thách thức đặt lên vai 26 con người nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Sở Y tế, Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ viên chức bệnh viện đã làm tốt công tác đón tiếp, khám chữa bệnh nội trú từng bước ổn định và đạt được kết quả nhất định.
Trải qua chặng đường phát triển, do đầu tư phát triển nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế và ứng dụng các kỹ thuật lâm sàng và cân lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị, đồng thời tích cực quán triệt cán bộ viên chức trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, do đó chất lượng công tác khám, chữa bệnh được nâng cao, từng bước đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Vì vậy trong những năm gần đây, lưu lượng người bệnh đến khám và điều trị ngày một tăng. Mỗi năm bệnh viện khám cho gần 20.000 lượt bệnh nhân và điều trị nội trú cho gần 3.000 bệnh nhân; ngày điều trị trung bình của người bệnh từ chỗ 40- 50 ngày/ cho một lượt điều trị nội trú nay chỉ còn 24,3 ngày. Đặc biệt từ năm 2014, được sự đồng ý của Sở Y tế, bệnh viện tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị toàn diện cho người bệnh tâm thần, người mà gia đình không còn khả năng quản lý, nuôi dưỡng tại nhà. Những người bệnh này phần lớn bị bệnh nhiều năm, bệnh ở giai đoạn sa sút, ngoài việc chăm sóc, điều trị về y tế, cán bộ viên chức bệnh viện còn chăm sóc toàn diện về cơ thể như ăn, uống, tắm, giặt, cắt tóc, gội đầu…Sau đợt điều trị tại bệnh viện hầu hết người bệnh phục hồi sức khỏe về tinh thần và thể chất làm giảm đáng kể hành vi gây hại do người bệnh tâm thần gây ra, đồng thời giúp gia đình người bệnh yên tâm lao động sản xuất, ổn định kinh tế góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo trong tỉnh. Nhờ có đội ngũ cán bộ vừa có trình độ chuyên môn vững vàng, vừa hết lòng yêu nghề, đến nay bệnh viện không chỉ điều trị cho hầu hết các bệnh tâm thần mà từng bước mở rộng điều trị cho các bệnh nội khoa, thần kinh thông thường khác.
Tuy nhiên số bệnh nhân tâm thần  ở các xã, phường đặc biệt bệnh nhân tâm thần lang thang ở cộng đồng chiếm tỷ lệ cao. Để quản lý và điều trị cho những người bệnh tại cộng đồng, ngày 20/4/1982, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định số 15/TC thành lập Trạm Tâm thần, đồng chí giám đốc bệnh viện kiêm trạm trưởng. Đặc biệt sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, thực hiện chính sách xóa bỏ chế độ bao cấp, giảm biên chế; năm 1989, UBND tỉnh đã chỉ đạo sát nhập Trạm Tâm thần vào Bệnh viện Tâm thần. Khó khăn, chồng chất khó khăn: Nhân lực mỏng, trình độ cán bộ hạn chế, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp, giao thông chủ yếu là đường đất, nhận thức của nhân dân về bệnh tâm thần còn rất nặng nề (cho là bệnh do ma quỷ, thần thánh gây nên). Hình ảnh người thầy thuốc tâm thần với chiếc xe đạp ba không (không chắn bùn, không phanh, không bàn đạp…) trời mưa cũng như trời nắng, cần mẫn ngày ngày về tất cả các xã, phường, thị trấn để khám phát hiện, cấp thuốc cho người bệnh tâm thần và tuyên truyền giáo dục những kiến thức về bệnh tâm thần và cách phòng chống bệnh đã trở lên quen thuộc đối với nhân dân.
Từ năm 1998, thực hiện chỉ đạo của Ban quản lý chương trình quốc gia về bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng, hàng năm Bệnh viện tổ chức khám phát hiện để đưa người bệnh tâm thần xã hội ở xã, phường vào quản lý, điều trị. Đến năm 2012, Thái Bình là một trong số ít tỉnh đưa các bệnh nhân tâm thần xã hội ở 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh vào quản lý và điều trị theo chương trình mục tiêu Quốc gia, do đó tỷ lệ bệnh nhân tái phát giảm, tỷ lệ bệnh nhân ổn định tăng vì vậy đã giảm đáng kể hành vi nguy hiểm do người bệnh tâm thần gây ra, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống và góp phần giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương.
5. Về phong trào thi đua:
          Cùng với việc đẩy mạnh công tác chuyên môn, các phong trào thi đua của bệnh viện luôn được trú trọng như: Phong trào “ Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”;  phong trào “ Nghiên cứu khoa học sáng kiến cải tiến kỹ thuật”; phong trào “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào “Đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, phong trào “Văn nghệ, thể thao”; các phong trào đến ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo…luôn được cán bộ viên chức hưởng ứng nhiệt tình do đó đã tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tạo môi trường công tác thoải mái cho cán bộ viên chức.
          Với những thành tích trong suốt chặng đường qua, Bệnh viện Tâm thần Thái Bình vinh dự được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Cờ thi đua của Bộ Y tế, Bằng khen của tỉnh, của Bộ; năm 2012, Bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, ba bác sỹ được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú cùng nhiều cán bộ viên chức đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, cấp cơ sở.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây